HỎI ĐÁP VỀ LOGISTICS (P12)
Logistics là một chuỗi các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Logistics đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trên khắp thế giới. Hãy cùng Tiền Giang Logistics khai thác thông tin qua chủ đề “Hỏi đáp về Logistics” nhé!
Khối lượng hàng hoá vận chuyển và luân chuyển khác nhau như thế nào?
Khối lượng hàng hoá vận chuyển và luân chuyển là kết quả hoạt động vận tải hàng hóa của một đơn vị hay phương thức vận tải trong một thời gian nhất định.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển là khối lượng hàng hoá đã vận chuyển được, bất kể độ dài quãng đường vận chuyển là bao nhiêu. Đơn vị tính khối lượng hàng hóa vận chuyển là tấn. Khối lượng hàng hoá vận chuyển được tính theo khối lượng thực tế của hàng hoá vận chuyển (kể cả bao bì nếu có).
Trong khi đó, khối lượng hàng hóa luân chuyển là khối lượng hàng hoá tính theo hai yếu tố: khối lượng hàng hóa vận chuyển nhân với quãng đường vận chuyển thực tế. Đơn vị tính là tấn / kilomet (tấn/km).
Khối lượng hàng hóa vận chuyển thường được dùng khi đo lường năng lực vận chuyển hoặc xử lý hàng hóa của một phương tiện vận tải. Còn khối lượng hàng hóa luân chuyển nói lên hiệu quả của phương tiện vận tải đó.
Đại lý hàng hải khác doanh nghiệp giao nhận ở điểm nào?
Đại lý hàng hải là đơn vị thay mặt hãng tàu làm việc với các doanh nghiệp giao nhận, chủ hàng. Tùy theo mức độ ủy thác của hãng tàu, đại lý hàng hải có thể sắp xếp lịch xếp dỡ hàng, đàm phán cước vận chuyển, phát hành vận đơn, v.v…
Đại lý hàng hải có thể ký hợp đồng hợp tác với nhiều hãng tàu, cam kết mỗi năm sẽ đem lại cho hãng tàu một lượng hàng nhất định. Đổi lại, các hãng tàu có thể dành mức cước ưu đãi cho đại lý hàng hải. Do vậy, đại lý hàng hải có thể nắm được lịch vận chuyển, giá cước của nhiều hãng tàu, nhiều tuyến vận chuyển khác nhau, đáp ứng nhu cầu khi doanh nghiệp giao nhận hoặc chủ hàng cần tìm tuyến vận chuyển nhanh nhất, rẻ nhất, tin cậy nhất.
Doanh nghiệp giao nhận là đơn vị làm việc trực tiếp với các chủ hàng, tổng hợp, nắm bắt nhu cầu của các chủ hàng và kết nối với các hãng tàu hoặc đại lý hàng hải để xếp lịch vận chuyển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp giao nhận cũng có thể đảm nhiệm nhiều chức năng khác như làm thủ tục hải quan, xin giấy phép, làm việc với các doanh nghiệp vận tải, quá cảnh, giám định.
Có thể ví đại lý hàng hải là người bán buôn dịch vụ vận chuyển của hãng tàu, còn doanh nghiệp giao nhận là người bán lẻ.
Vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp khác nhau như thế nào?
Trong trường hợp hãng tàu không ký hợp đồng vận chuyển trực tiếp với chủ hàng mà ký thông qua đại lý hàng hải hoặc doanh nghiệp giao nhận, sẽ có vận đơn chủ (Master Bill of Lading – MBL) và vận đơn thứ cấp (Hous Bill of Lading – HBL).
Vận đơn chủ là vận đơn do hãng tàu phát hành cho đại lý hàng hải hoặc doanh nghiệp giao nhận.
Vận đơn thứ cấp là vận đơn do đại lý hàng hải hoặc doanh nghiệp giao nhận phát hành cho chủ hàng.
Các thông tin trên vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp đối với trường hợp vận chuyển nguyên container là giống nhau, trừ thông tin về người gửi, người nhận và người được thông báo.
Trên vận đơn chủ, người gửi thường là đại lý hàng hải hoặc doanh nghiệp giao nhận của người bán; người nhận là đại lý hàng hải hoặc doanh nghiệp giao nhận của bên người mua; người được thông báo thường trùng với người nhận.
Trên vận đơn thứ cấp, người gửi thường là người bán, người xuất khẩu hàng; người nhận là người mua, người nhập khẩu; người được thông báo thường trùng với người nhận.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Xem thêm:
Vận chuyển hoa tết Cần Thơ đi Hà Nội