HỎI ĐÁP VỀ LOGISTICS (P8)
Logistics là một chuỗi các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Logistics đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trên khắp thế giới. Hãy cùng Tiền Giang Logistics khai thác thông tin qua chủ đề “Hỏi đáp về Logistics” nhé!
Ở P7 chúng ta đã tìm hiểu về chuỗi cung ứng, trong P8 này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về một phần của chuỗi cung ứng và logistics đầu vào và đầu ra!
Xem thêm: HỎI ĐÁP VỀ LOGISTICS (P7)
Logistics cung ứng và logistics phân phối có quan hệ thế nào với nhau?
Từ góc độ một doanh nghiệp sản xuất, logistics có thể chia thành 3 công
đoạn:
– Logistics cung ứng (procurement logistics)
– Logistics sản xuất (production logistics)
– Logistics phân phối (distribution logistics)
Logistics cung ứng là tất cả các công việc để tập hợp nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và các yếu tố đầu vào chuẩn bị cho hoạt động sản xuất.
Logistics sản xuất là các công việc nhằm đưa nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu vào phục vụ sản xuất một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.
Logistics phân phối là việc đưa các sản phẩm của doanh nghiệp đến tay khách hàng.
Nếu sản phẩm của doanh nghiệp là một nguyên liệu, bán thành phẩm thì khách hàng của doanh nghiệp là một doanh nghiệp khác, nếu sản phẩm là hàng tiêu dùng thì khách hàng là người tiêu dùng. Như vậy logistics phân phối của một doanh nghiệp này cũng có thể trùng với logistics cung ứng của doanh nghiệp khác.
Trong các công đoạn trên, logistics cung ứng và logistics phân phối là những khâu thực hiện ở bên ngoài doanh nghiệp sản xuất, và doanh nghiệp sản xuất có thể thuê các đơn vị dịch vụ logistics chuyên nghiệp thực hiện giúp mình. Với logistics sản xuất, doanh nghiệp chỉ có thể thuê doanh nghiệp bên ngoài tư vấn giúp mình phương án, còn tự mình phải tổ chức thực hiện mới mong đạt được kết quả mong muốn.
Với doanh nghiệp thương mại, công đoạn thứ hai hầu như không có, chỉ có logistics cung ứng (đi cùng với hoạt động gom hàng) và logistics phân phối (bán hàng).
Logistics đầu vào và logistics đầu ra là gì?
Logistics đầu vào (inbound logistics) là quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa đến một doanh nghiệp – là một cách gọi khác của logistics
cung ứng.
Logistics đầu ra (outbound logistics) là quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa từ doanh nghiệp ra bên ngoài đến các đối tác tiếp nhận – là
một cách gọi khác của logistics phân phối.
Công việc điển hình của inbound logistics là tìm mua và thu gom nguyên liệu, vật tư, trong khi công việc điển hình của outbound logistics là phân phối sản phẩm.
Mặc dù có những điểm tương đồng, nhưng inbound logistics và outbound logistics có những đặc điểm khác nhau. Với inbound logistics, dòng hàng hóa (nguyên liệu, nhiên liệu, bán thành phẩm) từ nhiều nhà cung cấp chảy về một điểm, còn với outbound logistics, hàng hóa (sản phẩm) từ một điểm chạy về nhiều điểm (nhà phân phối) khác nhau. Do vậy, việc lập kế hoạch và đảm bảo hàng hóa lưu chuyển nhanh gọn, không bị nhầm lẫn, hư hỏng ở mỗi quá trình cũng sẽ khác nhau.
Thế nào là logistics thu hồi?
Thông thường, khi hàng hóa giao đến tay khách hàng là được coi kết thúc một quá trình logistics. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau đó hàng hóa lại phát sinh một số vấn đề và có nhu cầu đưa ngược lại từ khách hàng đến người sản xuất hoặc phân phối.
Ví dụ một chiếc máy giặt sau một thời gian sử dụng có tình trạng hỏng hóc, hoạt động kém chất lượng, cần chuyển lại cho nhà sản xuất hoặc đơn vị được ủy quyền để bảo hành, sửa chữa hoặc đổi cái mới. Quá trình này cần thực hiện nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi và đem lại sự hài lòng cho khách hàng.
Khi bình gas cạn, người nội trợ gọi cho đại lý phân phối gas. Nhân viên giao hàng đem bình gas mới đến và nhận lại bình gas đã cạn. Tương tự, việc thu hồi container rỗng từ nhà máy về cảng, trả lại hàng hóa dư thừa, quá hạn sử dụng cho nhà sản xuất cũng là những hoạt động của logistics thu hồi.
Logistics thu hồi (reverse logistics) là các hoạt động nhằm đưa hàng hóa từ khách hàng về lại người sản xuất hoặc phân phối nhằm bảo hành, sửa chữa, thay thế, tái chế, hủy bỏ. Hoạt động này có thể đi kèm với các hoạt động xử lý khủng hoảng, quan hệ với truyền thông để góp phần giữ gìn hình ảnh của doanh nghiệp sản xuất và phân phối.
Chiến dịch thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 trên toàn cầu của hãng Samsung là một hoạt động logistics thu hồi đáng để tham khảo.
Thế nào là dịch vụ logistics khép kín? Các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức thực hiện dịch vụ logistics khép kín hay chưa?
Dịch vụ logistics khép kín, hay dịch vụ logistics tích hợp, hay dịch vụ logistics trọn gói, là dịch vụ logistics bao gồm toàn bộ hay gần như toàn bộ các công đoạn của quá trình logistics, từ khâu lập kế hoạch, mua nguyên vật liệu cho đến vận chuyển, cung ứng cho các nhà máy, phân xưởng, sau đó đưa sản phẩm đến các đối tác là nhà phân phối hay người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics khép kín hoặc sẽ phải có quy mô lớn (ví dụ sở hữu cả đội xe, cả nhà kho, có bộ phận làm dịch vụ giao nhận, chuyển phát, thuê tàu, bảo hiểm, v.v…), hoặc phải có trình độ quản lý và uy tín để kết nối, thuê lại các nhà cung cấp dịch vụ riêng lẻ và đảm bảo sự kết nối suôn sẻ giữa các nhà cung cấp dịch vụ đó.
Doanh nghiệp dịch vụ logistics khép kín thường sẽ có mối quan hệ bền chặt với khách hàng do hoạt động của họ đã trở thành một bộ phận khăng khít trong hoạt động của doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh.
Nhìn chung, doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa đủ sức cung cấp dịch vụ logistics khép kín. Trong khi đó, đây lại là ưu thế của các doanh nghiệp logistics FDI.
Mong rằng thông tin trên mang đến bổ ích cho bạn!
Xem thêm: Gửi bánh tét đi Singapore