HỎI ĐÁP VỀ LOGISTICS (P9)
Logistics là một chuỗi các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Logistics đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trên khắp thế giới. Hãy cùng Tiền Giang Logistics khai thác thông tin qua chủ đề “Hỏi đáp về Logistics” nhé!
Gần đây tôi nghe nói đến khái niệm logistics park. Nên hiểu khái niệm này như thế nào?
Logistics park tạm dịch là khu logistics. Đây không phải là một trung tâm logistics đơn thuần mà tập hợp nhiều trung tâm logistics và công trình phụ trợ, có tác dụng liên kết, bổ sung cho nhau để tạo nên một tổ hợp có khả năng cung cấp các dịch vụ logistics đa dạng, hoàn chỉnh.
Trong logistics park có thể có cả các khu nhà ở, cơ sở đào tạo, trạm phát điện, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, v.v… để phục vụ cho các trung tâm logistics.
Từ park trong cụm từ này có thể so sánh tương tự như industrial park (khu công nghiệp), hi-tech park (khu công nghệ cao).
Logistics đô thị là gì? Có đặc điểm gì khác với logistics thông thường?
Logistics đô thị là một phân nhánh của logistics nói chung, để chỉ quá trình vận chuyển, giao nhận, lưu giữ hàng hóa trong các thành phố, nơi có mật độ đường sá dày đặc, phương tiện đông đúc nên tốc độ di chuyển chậm, mất nhiều thời gian để đưa hàng hóa đến đích.
Đặc điểm của logistics đô thị là sự đa dạng về phương tiện vận chuyển, trong đó phương tiện chủ yếu là xe tải với các kích cỡ khác nhau. Đặc điểm thứ hai là sự đa dạng về địa hình trong thành phố và tình trạng tắc đường, kẹt xe làm cho thời gian giao hàng khó đảm bảo chính xác.
Logistics đô thị đặc biệt được các nhà quản lý siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, ngân hàng, các cơ sở sản xuất nằm trong thành phố quan tâm. Các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, giao hàng mua sắm qua mạng cũng hết sức lưu ý đến hình thức logistics này.
Mở rộng hơn, logistics đô thị có thể được dùng để nói đến việc hợp lý hóa vận chuyển trong đô thị nói chung, bao gồm cả hàng hóa và con người. Với nghĩa này, các tuyến vận chuyển hành khách như xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm là một phần của logistics đô thị.
Chủ hàng là ai?
Chủ hàng là những doanh nghiệp có hàng hóa cần vận chuyển, bất kể đó là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp thương mại. Đây cũng chính là nhóm doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics đã đề cập ở phần trên.
Tên gọi chủ hàng thường dùng để phân định với chủ tàu, tức là các hãng tàu biển, ngày nay là các nhà vận chuyển nói chung. Quan hệ giữa chủ hàng và chủ tàu vừa là quan hệ hợp tác, vừa là quan hệ đấu tranh.
Chủ hàng cần có chủ tàu để giúp chuyên chở hàng hóa đến các địa điểm mong muốn, chủ tàu cần có chủ hàng để có công ăn việc làm, có doanh thu. Nhưng nếu chủ tàu đưa ra giá dịch vụ vận chuyển quá cao, hoặc lạm dụng vị thế độc quyền của mình để bắt ép chủ hàng thì chủ hàng lại phải đấu tranh đòi giảm giá hoặc bãi bỏ các điều kiện bất hợp lý.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã hình thành các hiệp hội của chủ hàng và chủ tàu để tập hợp tiếng nói của các doanh nghiệp có cùng lợi ích, tạo sức mạnh đàm phán lớn hơn với nhóm doanh nghiệp bên kia.
Ngày nay, với sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp dịch vụ logistics, mối quan hệ trên trở thành quan hệ tay ba giữa chủ hàng, chủ tàu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Giao nhận có vai trò như thế nào?
Giao nhận (freight forwarding) là hoạt động thay mặt chủ hàng thực hiện mọi thủ tục, công đoạn cần thiết để đưa hàng đến đích. Đơn vị làm việc này là công ty dịch vụ giao nhận. Nói cách khác, công ty dịch vụ giao nhận là đơn vị trung gian giữa chủ hàng với các hãng vận tải và các cơ quan, tổ chức khác.
Ví dụ, một xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Định có khách hàng ở Thụy Điển. Sau khi sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng, xưởng này liên hệ với một công ty giao nhận để đưa lô hàng này đến cho khách hàng với chi phí thấp nhất, thời gian nhanh nhất. Công ty giao nhận sẽ phải tính toán để đóng số hàng này vào container, nếu chưa đủ một container thì phải tìm số hàng của doanh nghiệp khác để ghép vào cho đầy một container, chở số hàng này bằng đường bộ vào cảng Cát Lái, tìm hãng tàu vận chuyển số hàng này từ Cát Lái sang Hamburg, rồi từ Hamburg chuyển đến Stockholm. Nếu được xưởng gỗ ủy quyền, công ty dịch vụ giao nhận cũng sẽ làm thủ tục hải quan để xuất khẩu lô hàng, đi xin Giấy chứng nhận xuất xứ cho lô hàng, làm việc với hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm, làm việc với công ty giám định để xác định số lượng, phẩm cấp của lô hàng, nộp các loại thuế, phí theo quy định.
Vai trò của công ty dịch vụ giao nhận là không thể thiếu vì một số lý do sau đây:
• Công ty dịch vụ giao nhận là đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, nắm được nhiều đầu mối quan hệ, thông tin với các hãng tàu, công ty bảo hiểm, giám định, quen thuộc với các thủ tục hải quan nên có thể tìm được cước phí tốt, làm thủ tục nhanh.
• Công ty dịch vụ giao nhận là đơn vị quen thuộc với các thủ tục hành chính, hải quan, quen với các loại chứng từ nên có thể làm thủ tục nhanh, chính xác, không mất thời gian chờ đợi hoặc làm đi làm lại.
• Công ty dịch vụ giao nhận có nhiều khách hàng là chủ hàng khác nhau, do vậy có thể gom hàng từ nhiều chủ hàng, đóng chung trong một container hay một chuyến hàng, do vậy giảm chi phí cho từng chủ hàng.
• Trong một số trường hợp, công ty dịch vụ giao nhận có thể làm thay một số việc khác của chủ hàng, như quản lý hàng tồn kho, làm việc với các đại lý, người cung cấp nguyên liệu… hoặc đóng vai trò tư vấn cho chủ hàng.
Việc thuê công ty dịch vụ giao nhận sẽ giúp chủ hàng tiết kiệm nhân lực cho công tác giao nhận, tạo điều kiện để chủ hàng tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình là sản xuất hoặc tìm kiếm khách hàng.
Giao nhận là một hoạt động khá đặc thù nên có đôi lúc người ta nhìn nhận logistics đồng nghĩa với giao nhận. Thực tế, giao nhận chỉ là một trong các loại hình dịch vụ tạo nên một loại hình dịch vụ tổng thể là logistics.
Mong rằng thông tin trên mang đến bổ ích cho bạn!
Xem thêm:
Gửi quần áo, thực phẩm khô đi Mỹ cho du học sinh